Nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc đi ngủ vào ban đêm dù đã dùng hết mọi cách thì sao không thử tìm đến với âm nhạc? Chỉ với việc lắng nghe list nhạc yêu thích của mình, bạn có thể nhanh chóng rơi vào giấc ngủ và tận hưởng thời gian nghỉ ngơi thoải mái đấy. Tuy nhiên bạn cũng cần lưu ý một vài điều khi sử dụng âm nhạc cho giấc ngủ.
Âm nhạc tác động tới não bộ của chúng ta theo nhiều cách và hầu hết đều là những tác động tích cực. Một trong số đó là giúp chúng ta ngủ dễ hơn. Trong bài viết này, hãy cùng khám phá những tác động của việc nghe nhạc khi ngủ và đồng thời tìm hiểu về một số nguy hiểm tiềm ẩn của chuyện này nhé.
Âm nhạc ảnh hưởng chúng ta như thế nào?
Não của con người được thiết lập để phản ứng lại với âm nhạc. Và vì não gửi tín hiệu đi đến mọi bộ phận của cơ thể nên âm nhạc cũng có thể ảnh hưởng đến chúng ta theo nhiều cách. Xét về mặt thể chất, nhịp thở và nhịp tim sẽ mô phỏng theo giai điệu của bài hát.
Các bài hát khác nhau cũng có thể thay đổi các phản ứng hóa học và lượng hormone trong cơ thể. Ví dụ như, những giai điệu vui vẻ có thể tăng lượng serotonin và khiến chúng ta thấy hạnh phúc. Nhưng do mỗi người có một sở thích khác nhau nên mỗi một ca khúc sẽ có những ảnh hưởng khác biệt lên những người khác nhau.
Nghe nhạc có thể kích hoạt cả hai não trái và phải. Sự hoạt động cùng một lúc của cả hai bên não bộ giúp tăng khả năng giải quyết các vấn đề vì bạn đang sử dụng sự sáng tạo của não trái và sự logic của não phải trong cùng một lúc.
Âm nhạc còn kích hoạt vùng đồi hải mã, một bộ phận của não liên quan tới nơi lưu trữ trí nhớ dài hạn. Đó là lý do vì sao những bài hát xưa có thể giúp bạn nhớ về quá khứ và vì sao một số chúng ta chợt hồi tưởng khi nghe một ca khúc từ tuổi thơ hay thời niên thiếu. Âm nhạc giúp con người nhớ về khoảng thời gian mà họ yêu thích và cảm thấy vui vẻ.
Nhìn chung, âm nhạc có nhiều tác động tích cực. Tuy nhiên những âm thanh ồn (vượt quá 95 decibels) sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng nhận thức của chúng ta. Vì vậy, nếu bạn đang chuẩn bị đưa ra một quyết định quan trọng, hãy giảm âm lượng nhạc đang nghe xuống.
Tại sao lại nghe nhạc khi ngủ?
Nâng cao chất lượng và thời gian ngủ
Miễn bạn nghe những ca khúc khiến bạn thấy thư giãn và hạnh phúc, việc rơi vào giấc ngủ nhanh và có chất lượng giấc ngủ tốt là một chuyện đơn giản. Bạn còn nhớ khi bạn còn nhỏ, cha mẹ thường hát ru để đưa bạn vào giấc ngủ.
Nếu như nghe nhạc đã trở thành một phần lịch trình giấc ngủ thì những tác động tích cực mà nó mang tới sẽ càng tăng thêm. Không chỉ giúp cơ thể cảm thấy thư giãn và thoải mái, việc nghe nhạc trước khi ngủ cũng sẽ báo hiệu cho chúng ta biết thời gian ngủ đã đến rồi. Lúc này, việc đi ngủ không còn khó khăn nữa vì cơ thể đã quen với trình tự này.
Thư giãn
Âm nhạc có thể giúp chúng ta thư giãn, nhất là khi nó có nhịp điệu từ 60 – 80 mỗi phút. Nhịp điệu này gần giống với nhịp tim của con người lúc nghỉ ngơi nên có thể làm dịu cơ thể về mặt sinh học.
Tuy nhiên, mỗi chúng ta đều có sự khác nhau về sở thích. Những thứ có thể khiến một người cảm thấy thư giãn cũng có thể khiến người khác thấy mệt mỏi. Ví dụ như, bạn là một người yêu thích âm nhạc cổ điển nhưng bạn đời của bạn lại là một người hâm mộ nhạc rock hết mình. Cho dù các giai điệu của Tchaikovsky khiến bạn cảm thấy tuyệt vời thì bạn đời của bạn lại thích những ca khúc của Metallica hơn.
Tóm lại, loại nhạc mà bạn cảm thấy thư giãn chưa chắc có thể đem tới sự thư giãn cho người khác.
Ngủ nhanh hơn
Chúng ta thường kết thúc một ngày với rất nhiều suy nghĩ, băn khoăn. Những suy nghĩ vẩn vơ về đống đĩa bẩn chưa rửa trong bồn hay những lời bình luận đáng ghét trong buổi họp,…đều đang đấu tranh để giành sự chú ý của bạn. Và đương nhiên, việc dành thời gian nghĩ về chúng sẽ khiến bạn gặp khó khăn trong việc ngủ.
Nghe nhạc có thể giúp bạn tránh khỏi những chuyện gây xao lãng và cho não bạn một thứ gì đó để tập trung. Việc tập nghe nhạc khi nằm xuống giường sau một ngày đầy căng thẳng sẽ giúp cơ thể ngủ nhanh hơn.
Kích thích chất hóa học tốt trong cơ thể
Các bài hát mà chúng ta yêu thích sẽ kích thích quá trình sản xuất serotonin đem tới phản ứng hạnh phúc trong não. Thiếu serotonin có thể dẫn đến trầm cảm. Vì vậy, nếu bạn muốn cảm thấy hạnh phúc thì hãy làm những gì mình yêu thích để kích thích serotonin một cách tự nhiên.
Bên cạnh đó, việc đi ngủ và thức giấc cũng sẽ trở nên dễ dàng hơn khi bạn cảm thấy vui vẻ. Hãy lắng nghe album yêu thích của bản thân, sau đó tự chiêm nghiệm xem nó đem lại ảnh hưởng thế nào nhé.
Những mối nguy hiểm khi ngủ cùng tai nghe
Hoại tử
Đeo tai nghe có thể đem lại cảm giác không thoải mái khi ngủ và đặc biệt là khi bạn nằm nghiêng một bên. Và nó cũng có những nguy hiểm tiềm ẩn. Một trong những mối nguy hiểm khi ngủ cùng tai nghe là nguy cơ hoại tử khi các mô tế bào ở tai chết do thiếu máu. Theo giả thuyết, áp lực mà tai nghe đem tới cho tai của bạn sau một khoảng thời gian dài có thể cắt đứt sự lưu thông của máu và dẫn đến hoại tử.
Đây là một nguy cơ tiềm ẩn khi sử dụng tai nghe trong thời gian dài. Hãy quan tâm đến đôi tai của bạn. Nếu bạn vẫn còn lo lắng thì hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Ráy tai
Lỗ tai của chúng ta liên tục tạo ra ráy tai để bảo vệ ống tai và giữ nó an toàn khỏi những vật thể lạ. Tuy nhiên, khi có quá nhiều ráy tai tích trữ trong tai thì sẽ bị phản tác dụng. Lúc đó, ráy tai có thể gây cản trở cho tai. Quá nhiều ráy tai còn có thể ảnh hưởng tới khả năng nghe nên bạn cần phải giải quyết chúng.
Dùng tai nghe trong thời gian dài có thể dẫn đến việc tích trữ ráy tai vì tai nghe sẽ chắn đường thoát của ráy tai. Hãy kiểm tra tai nghe của mình, nếu bạn thấy có ráy tai bám trên nó thì trong tai của bạn cũng có rất nhiều ráy tai cần loại bỏ đấy.
Nghẹt thở
Sẽ thật buồn cười nếu bạn chết do nghẹt thở khi đeo tai nghe lúc ngủ. Nhưng khả năng này vẫn tồn tại khi có một sợi dây ở gần cổ chúng ta khi ngủ. Nếu bạn lo lắng về vấn đề này, hãy thử các thiết bị tai nghe không dây, tai nghe Bluetooth.
Một số biện pháp thay thế tai nghe
Radio
Nếu ngủ một mình hoặc có chung gu âm nhạc với bạn đời, bạn có thể thử nghe radio thay vì tai nghe. Những loại radio từ thập niên 90 hay các thiết bị điện tử bây giờ đều có chức năng hẹn giờ và sẽ tắt khi đến thời gian.
Tai nghe đặc biệt
Trước đó chúng ta đã nhắc đến những loại tai nghe không dây để giảm thiểu khả năng nghẹt thở khi ngủ. Ngoài ra bạn có thể thử một loại tai nghe đặc biệt với tai nghe được thêu vào đồ bịt đầu bằng vải. Chất lượng âm thanh của nó không tốt như tai nghe thông thường nhưng nếu bạn thường nằm nghiêng để ngủ thì sẽ vô cùng thoải mái.